Minh Hieu - Hung Yen Co., Ltd
Thịt cá Lăng là món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích, Thịt cá Lăng là món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích, cá Lăng có rất nhiều loài như cá Lăng nha, cá Lăng chấm và gần đây các hộ dân tập trung nuôi cá Lăng tàu (cá có tên gọi khác là cá Nheo Mỹ hay cá ngạnh Trung Quốc).
Cá Lăng tàu có 2 loài là cá Lăng vàng và cá Lăng đen. Cá Lăng vàng có giá thương phẩm cao hơn cá Lăng đen, nhưng khi nuôi thường có tốc độ sinh trưởng chậm hơn nên các hộ dân thường tập trung nuôi cá Lăng đen. Giá cá Lăng đen tại các hộ nuôi vào thời điểm tháng 7-8 năm 2014 là 130.000đ/kg cỡ cá 2-2,5 kg/con. Hiện giá thành chi phí cho nuôi đối tượng này khoảng 40-45.000đ/kg tăng trọng.
Gần đây Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã cho đẻ thành công cá Lăng đen và đã chủ động được con giống. Tuy nhiên, mới chỉ ở lĩnh vực đề tài nghiên cứu nên lượng cá giống chưa đủ cung cấp cho thị trường mà nguồn giống chủ lực hiện nay được đưa vào Miền Bắc Việt Nam thông qua con đường tiểu ngạch từ Trung Quốc nên chất lượng con giống còn nhiều điều đáng quan tâm. Đặc biệt qua các lần kiểm tra ngẫu nhiên mẫu cá bệnh ở giai đoạn cá Hương và cá giống cá Lăng đen cho thấy tỷ lệ nhiễm nấm, ký sinh trùng rất cao gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Trong năm 2014 có sự hợp tác nghiên cứu giữa Học Viện Nông nghiệp Việt Nam (đại diện là Tiến sỹ Kim Văn Vạn, Trưởng Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản) với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (đại diện là Thạc sỹ Nguyễn Anh Hiếu) về bệnh trên đối tượng nuôi này. Nghiên cứu cho thấy cá Lăng có nhiễm các tác nhân gây bệnh thông thường như: Trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, trùng quả dưa (chủ yếu ở giai đoạn cá hương), nấm Saprolegnia (chủ yếu ở mùa đông và đông xuân), vi khuẩnEdwardsiella sp. (chủ yếu ở giai đoạn cá thương phẩm gây bệnh gan thận mủ) và chưa thấy tác nhân gây bệnh là virus. Nhìn chung các tác nhân gây bệnh đã phát hiện đều có thể kiểm soát thông qua biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho cá ương, nuôi và xử lý hiệu quả khi bệnh xảy ra
Để giảm rủi cho cho người nuôi đối tượng siêu lợi nhuận này hiện nay các hộ dân nên ương cá Lăng giống trong ao đất tới khi cá giống đạt 0,3-0,5 kg/con nên chuyển ra nuôi lồng. Khi nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao (35-40% protein ở giai đoạn cá hương, cá giống; 28-30% protein ở giai đoạn cá thịt) hoặc các hộ dân có thể sử dụng nguồn cá tạp sẵn có rẻ tiền ở các địa phương (nhưng khi nuôi bằng thức ăn này các hộ dân cần lưu ý vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề lây lan bệnh truyền nhiễm và bệnh ký sinh trùng thông qua thức ăn tươi sống), và hạn chế đánh bắt, vận chuyển đối tượng nuôi này trong vụ đông, đông xuân vì bệnh nấm rất dễ phát sinh nếu thao tác làm không cẩn thận.
TS. Kim Văn Vạn Chuyên gia thủy sản - Cty TNHH Minh HIếu Hưng Yên Trưởng Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản
Học Viện Nông nghiệp Việt Nam;