Minh Hieu - Hung Yen Co., Ltd
Đà hồi phục /tăng trưởng của ngành chăn nuôi lợn ở khắp nơi trên thế giới có thể bị chậm lại do nhiều yếu tố: Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) ở Châu Á tái bùng phát, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh và tác động của Covid-19 đến nhu cầu thịt lợn trên toàn cầu.
Theo Rabobank, ngân hàng chuyên về nông nghiệp và thực phẩm, giá lợn hơi đang neo cao ở hầu hết các thị trường do các nhà chế biến đổ xô đi tìm nguồn cung cấp thịt lợn nguyên liệu. Nhu cầu của người tiêu dùng bắt đầu tăng lên. Sự mất cân đối giữa cung và cầu khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, góp phần vào xu hướng lạm phát chung trên toàn thế giới.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Rabobank nhấn mạnh đến sự tác động cùng lúc của nhiều yếu tố làm gia tăng rủi ro cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu. Đó là sự kết hợp cùng lúc của các yếu tố: Sức khỏe của đàn lợn vẫn bị đe dọa, chi phí sản xuất tăng mạnh, nhất là thức ăn chăn nuôi, và nhu cầu thiếu chắc chắn do đại dịch Covid-19, gây áp lực lên lợi nhuận của các nhà chăn nuôi.
Christine McCracken, nhà phân tích cấp cao về protein động vật của Rabobank, cho biết ở những khu vực có ngành chăn nuôi lợn tăng trưởng mạnh nhất thì tổn thất do dịch bệnh cũng cao nhất, cùng với việc quá trình hồi phục có độ trễ, khiến cho nguồn cung thịt lợn trở nên khan hiếm.
Khó khăn trong việc duy trì sức khỏe đàn lợn
Chuyên gia McCracken của Rabobank cho biết thêm rằng: "Bệnh dịch ASF đã chứng tỏ sự khó kiểm soát hơn so với dự kiến ban đầu ở một số khu vực, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn ở châu Á và thay đổi kỳ triển vọng về thương mại ở những khu vực khác trên thế giới".
Ngoài dịch ASF, đàn lợn trên thế giới còn đang bị nhiều dịch bệnh khác, như Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) và bệnh tiêu chảy cấp ở lợn (PEDv) gây tình trạng thiếu cung ở Mỹ và Mexico, cũng như dịch tả lợn cổ điển (CSF) tái xuất hiện ở Nhật Bản và Brazil.
Cũng theo bà McCracken cho biết: "Chúng tôi mong đợi sự phục hồi dần dần của đàn lợn, tuy nhiên chi phí chăn nuôi tăng và nhu cầu không chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng," McCracken nói.
Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh
Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi lợn nên sự khác biệt giữa các khu vực về nguồn cung và giá thức ăn chăn nuôi/các nguyên liệu thay thế thức ăn chăn nuôi tạo nên khoảng cách về giá lợn cũng như sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn.
Theo Rabobank, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với tình trạng chung của ngành thức ăn chăn nuôi toàn cầu. Điều này sẽ càng trở nên trầm trọng do biến động tỷ giá tiền tệ ở mỗi nước.
Đơn cử như ở Trung Quốc. Nước này đang nỗ lực khôi phục đàn lợn, do đó nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi cũng tăng mạnh, khiến cho giá hạt có dầu và ngô thế giới tăng vọt, thậm chí gây mất cân bằng thị trường ngô và đậu tuông toàn cầu.
Nhập khẩu ngô của Trung Quốc 4 tháng đầu năm nay tăng 438% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 6,7 triệu tấn, tương đương khoảng 20% tổng thương mại ngô toàn cầu. Do lượng tồn trữ ngô trên thế giới đã cạn kiệt từ năm ngoái nên giá ngô đã tăng mạnh trên 71% trong vòng một năm qua.
Chính phủ Trung Quốc đang tìm mọi cách giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi. Trong kế hoạch mới công bố gần đây, ngành nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu các nhà chăn nuôi hạn chế sử dụng ngô và khô đậu tương trong chăn nuôi, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích trong nước tăng cường sản xuất ngô.
Nhiều nước khác cũng đang chuyển hướng sang những nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay thế khác, như lúa mì.
Rabobank cho biết nhiều nước có thể quản lý được vấn đề chi phí thức ăn chăn nuôi tăng bằng việc thay đổi tỷ trọng các thành phần thức ăn, giúp tỷ lệ chi phí thức ăn chăn nuôi trong tổng chi phí chăn nuôi giảm xuống.
Các chuyên gia về protein động vật cho biết, tồn trữ hạt có dầu ở một số khu vực trên thế giới đang gần chạm mức khủng hoảng. Giá đậu tương đã tăng 72% từ cuối năm ngoái, trong bối cảnh giá dầu và giá khô đậu tương đều tăng mạnh. Các nhà sản xuất đã tìm tới những loại bã hạt khác để thay thế, nhưng tồn trữ trên toàn cầu nhìn chung đều cạn kiệt, và nhu cầu đối với một số loại hạt khác trên toàn cầu cũng đang tăng.
Chi phí thức ăn tăng là 1 trong những khó khăn của ngành chăn nuôi
Nhu cầu hồi phục không đồng đều
Doanh số bán lẻ thịt lợn tăng mạnh ở hầu hết các thị trường, nhưng sự phục hồi chậm hơn ở lĩnh vực dịch vụ ăn uống và hạn chế tụ tập đặt ra thách thức đối với nhu cầu một số mặt hàng thịt lợn chế biến – có giá trị cao.
Ở những nước như Nhật Bản và Châu Âu vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế ăn uống và đi lại để ngăn dịch Covid-19 lây lan mạnh. Mực dù các hạn chế này chỉ là tạm thời, nhưng Rabobank cho rằng điều đó sẽ gây sự gián đoạn liên tục đối với các hoạt động kinh doanh và du lịch.
Doanh số bán thịt lợn cũng gặp khó khăn do chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng tăng. Rabobank dự báo điều này sẽ tồi tệ hơn ở các quốc gia phục hồi chậm sau Covid-19.
Nhập khẩu mạnh trong quý I/2021
Nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc đã tăng 22% trong 3 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,43 triệu tấn. Nhu cầu thịt lợn ở nước này vẫn yếu vì dịch bệnh gây tâm lý lo ngại và giá bán lẻ thịt lợn tương đối cao. Rabobank dự báo năm 2021 Trung Quốc sẽ nhập khẩu tổng cộng 3,5 đến 5 triệu tấn thịt lợn và các loại thịt khác, và không loại trừ khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.
Lượng nhập khẩu thịt lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, bất chấp ngay cả khi sản lượng thịt lợn ở trong nước tăng lên trong trong nỗ lực tái đàn của quý đầu tiên. Tuy nhiên, điều này một phần là do làn sóng mới của dịch tả lợn châu Phi và các bệnh khác trong mùa đông đã khiến cho các trang trại, cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm nên xuất chuồng giết mổ sớm hơn để tránh rủi ro.
Tháng 4, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu thêm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 922.000 tấn, chỉ thấp hơn chút ít so với mức 1,02 triệu tấn nhập khẩu trong tháng 3/2021.
Các nhà phân tích cho biết, điều đó có thể phản ánh cán cân cung – cầu thịt trong nước ở Trung Quốc vẫn bị thắt chặt, và dự báo người dân sẽ vẫn phải mua thịt với giá đắt trong những tháng tới.
Trong khi đó, xuất khẩu thịt lợn của một số quốc gia trong tháng 4 bị chậm lại do yếu tố mùa vụ, chi phí vận chuyển tăng và việc do việc vận chuyển gặp khó khăn, và giá thịt lợn xuất khẩu tăng.
Ngành chăn nuôi lợn trở nên thận trọng
Ngành sản xuất thịt lợn trên toàn cầu vẫn đang có thái độ thận trọng. Với những thách thức về nguồn cung liên tục và dự báo không sáng sủa về nhu cầu, ngành chăn nuôi lợn đã và đang phản ứng bằng việc tăng trưởng chậm lại, trong một số trường hợp chủ động thu hẹp nguồn cung.
Động thái này có thể giúp thị trường trở nên cân bằng ở thời điểm hiện tại, giúp cho ngành quản lý tốt hơn vấn đề tài chính. Tuy nhiên, từ cuối năm nay, ngành chăn nuôi lợn nên tăng cường khôi phục sản xuất để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thịt lợn – dự báo sẽ hồi phục nhanh chóng.
Khó khăn bủa vây ngành chăn nuôi lợn (ảnh minh hoạ)
Tình hình tại một số thị trường thịt lợn chủ chốt trên thế giới
Tại Trung Quốc, ngành chăn nuôi lợn đang hồi phục dần. Mặc dù vẫn chưa hồi phục hoàn toàn bằng mức trước khi xảy ra dịch ASF, song đàn lợn nái của nước này năm 2020 đã ổn định ở mức như năm trước, và dự báo sẽ tăng vào cuối năm nay, khi nước này tiếp tục nỗ lực tái đàn.
Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng của Trung Quốc tăng thì dự báo nước này vẫn thiếu thịt lợn và vẫn phải tiếp tục nhập khẩu với khối lượng lớn.
Kể từ cuối tháng 4 vừa qua, giá lợn hơi tại Trung Quốc giảm khá nhanh. Đến ngày 10/5/2021, giá giảm xuống còn 20,29 CNY/kg, thấp nhất kể từ tháng 8/2019. Nguyên nhân một phần do lượng lợn nhập nhiều ở những tháng trước đó, nhưng cơ bản là do đàn lợn đã có tỷ lệ lớn lợn đủ trọng lượng để giết mổ.
Chỉ trong 1 phiên 10/5, giá hợp đồng giao dịch lợn, kỳ hạn giao dịch nhiều nhất, trên sàn Đại Liên giảm 6,72%,xuống 25.055 CNY (2.891,22 USD)/tấn.
Người chăn nuôi lợn mong chờ giá tăng lên nên đã giữ lợn lại nuôi thêm. Nhưng dịch bệnh bất ngờ tái bùng phát trong mùa Đông này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đưa lợn đi giết mổ sớm, khiến giá giảm từ tháng 3.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giá lợn ở Trung Quốc có thể sắp chạm đáy và sẽ tăng trở lại từ quý 3 tới do mưa ở miền Nam khiến dịch bệnh bùng phát trở lại. Mặc dù giá thịt lợn tại Trung Quốc đã giảm tương đối trong những tháng gần đây, nhưng dự báo nhu cầu nhập khẩu thịt vẫn ở mức cao do tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài đến hết năm.
Philippines cũng đã chịu thiệt hại nặng nề về đàn lợn trong năm nay do dịch ASF. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ năm 2019 tiếp tục tác động tới ngành chăn nuôi lợn ở Philippines. Bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng, số lợn mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng.
Tổng thống Duterte ngày 11/5 đã ký thông báo chính thức yêu cầu các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực cần thiết nhằm "ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan thêm nữa, giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm từ thịt lợn, giảm giá bán lẻ và bắt đầu khôi phục ngành chăn nuôi lợn địa phương".
Kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh vào năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 12 trong số 17 vùng của nước này. Theo Chính phủ Philippines, dịch tả lợn châu Phi đã làm "giảm đáng kể" khoảng 3 triệu con trong đàn lợn của nước này, gây thiệt hại hơn 100 tỷ peso (khoảng 2,1 tỷ USD) cho ngành chăn nuôi lợn địa phương và các ngành liên quan.
Chính phủ Philippines nhấn mạnh sự cấp thiết phải ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan và gây tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn địa phương và an ninh lương thực. Dịch bệnh đã khiến giá bán lẻ các sản phẩm thịt lợn tại Philippines tăng, buộc chính phủ quốc gia Đông Nam Á này phải tăng nhập khẩu thịt lợn trong năm nay.
Tại Liên minh Châu Âu (EU), giá lợn hơi đã tăng trở lại 22% kể từ đầu năm nay do nguồn cung lợn hơi thắt chặt và nhu cầu dần được cải thiện. Giá hiện nay mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá xuất khẩu của năm ngoái (-16% so với cùng kỳ năm ngoái), song giá hiện đã nhích dần lên, giúp bù đắp chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, sản lượng đang tăng ở Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan, bù đắp cho sự sụt giảm nhẹ ở Đức và Italy. Xuất khẩu vẫn mạnh, bất chấp lệnh cấm thương mại liên quan đến ASF đối với thịt lợn Đức.
Tại Mỹ, giá lợn hơi hiện đã tăng 68% so với đầu năm do nguồn trên thị trường bị thắt chặt và giá thịt lợn tăng mạnh. Nhu cầu dăm bông và thịt ba chỉ tăng mạnh mạnh mẽ, cùng với việc nhập khẩu giảm và lượng hàng tồn kho đông lạnh hạn chế vẫn là các yếu tố chính đẩy giá lên. Thiếu nhân lực lao động tiếp tục là một thách thức của ngành chăn nuôi lợn. Giá thịt lợn Mỹ cao đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu của nước này.
Ngành chăn nuôi lợn ở Brazil đang khó khăn chật vật do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng 99% do vụ trồng trọt đầu tiên của năm nay bị chậm trễ vì khô hạn dẫn tới sản lượng thu hoạch đáng thất vọng. Nhu cầu thịt lợn trong nước yếu do đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động bị ngừng trệ và Chính phủ dừng các chương trình kích thích kinh tế càng ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi lợn của nước này, khiến giá lợn hơi và thịt lợn không thể tăng đủ để bù đắp chi phí thức ăn chăn nuôi tăng.
Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi lợn cũng đang gặp khó khăn do chi phí thức ăn tăng trong khi giá lợn trong nước thấp và nhu cầu yếu do đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động ăn uống va du lịch bị giới hạn, trong bối cảnh nhiều địa phương tiếp tục tái đàn sau dịch ASF và thị trường được bổ sung lượng thịt nhập khẩu trong thời gian qua.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm. Hiện giá lợn hơi ở mức giá thấp nhất trong một năm qua. Giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 67.000-70.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam khoảng 70.000-72.000 đồng/kg.
Dự báo thị trường thịt lợn trong nước sắp tới sẽ còn nhiều biến động với nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể tái bùng phát ở nhiều địa phương và giá thức ăn chăn nuôi chưa sớm hạ nhiệt do giá nguyên liệu trên thế giới tăng.
Nguồn: Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị